TIN NỔI BẬT TIN NỔI BẬT

Lễ hội truyền thống đền Nhà Bà kỷ niệm 2004 năm ngày sinh Nữ tướng Sa Lãng năm Giáp Thìn 2024
Ngày đăng 13/04/2024 | 11:48  | Lượt xem: 192

Ngôi đền Nhà Bà ( hay còn gọi Đền thờ Nữ tướng Sa Lãng) nằm sát chân đê, nhìn theo hướng chính bắc ra sông Hồng. Đền thờ nữ tướng quân Sa Lãng, một vị nữ tướng đã theo giúp Ha Bà Trưng đánh giặc. Xưa kia, đền thuộc xã Hạ Trì với các thôn Thượng Thôn, Trung Thôn, Hạ Thôn và Đoài Quý. Đến sau này khi tách xã thì Thượng Thôn và Đoài Quý thuộc xã Liên Hà; Trung Thôn và Hạ Thôn thuộc xã Liên Trung. Ngôi đền theo địa giới hành chính hiện nay nằm trên địa bàn xã Liên Hà, song việc thờ cúng Bà Sa Lãng thì vẫn như lệ cũ, nghĩa là vẫn do nhân dân hai xã Liên Trung và Liên Hà hiện nay đảm nhiệm. Lễ hội hàng năm vì thế vẫn không có gì thay đổi, vẫn giữ được mối đoàn kết, hài hòa vốn có từ xa xưa. Đó là một điều rất đáng trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Tương truyền nữ tướng Sa Lãng là con gái một trưởng bộ, quê tại Nam Hải. Sa Lãng còn có người anh là Hùng Lĩnh (có bản chép là Hùng Sinh). Tuổi rất trẻ, hai anh em đã nổi tiếng tài giỏi. Bấy giờ giặc Đông Hán tàn ngược, Thứ sử Tô Định càng xảo quyệt, thấy nàng Sa Lãng xinh đẹp, tài giỏi hơn người hắn đã đòi lấy Sa Lãng làm thiếp. Nhưng bị nàng và cả nhà cự tuyệt. Anh trai nàng bị gọi lên phủ đường dọa nạt. Hùng Lĩnh không nghe lời Thái thú và đã bị giết hại. Tô Định cho quân vây bắt cả nhà nàng Sa Lãng, nàng đã được một thị nữ cứu thoát. Nợ nước thù nhà chồng chất hai vai, Sa Lãng nhen nhóm trong lòng ý chí phục thù khởi nghĩa. Sa Lãng đã đi các vùng quanh từ Đan Phượng, Từ Liêm, Tiên Du và qua sông Hồng sang Yên Lạc, Bạch Hạc để chiêu binh luyện tập.

Đúng lúc đó, Hai Bà Trưng cũng đang tổ chức khởi nghĩa. Được tin này, Sa Lãng kịp thời kéo quân về với Hai Bà Trưng và là trở thành một trong những bộ tướng có nhiều công lao đánh giặc Tô Định.

Sau khi đánh tan quân giặc Đông Hán, đuổi Tô Định về nước, Hai Bà Trưng lên ngôi và ban thưởng cho các tướng lĩnh. Bà Sa Lãng được ban tước lộc và cho hưởng thực ấp tại Hạ Trì. Ở đây, Bà đã dạy dân cấy lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Đóng thuyền, thả lưới đánh cá trên sông. Dưới quyền cai quản của bà, nhân dân quanh vùng luôn luôn được hưởng thái bình, đời sống ấm no, đầy ắp tiếng cười, tiếng ca, tiếng hát. Một thời gian sau, vào ngày rằm tháng Bảy trăng tròn, không ốm, không đau, tự nhiên Bà mất. Nhân dân vô cùng thương tiếc người con gái tài hoa, bèn lập đền thờ cúng, đời đời hương khói để tưởng  nhớ công ơn của bà.

Theo thần phả và những truyền thuyết trong dân gian thì ngay sau khi nữ tướng Sa Lãng mất, nhân dân đã lập đền thờ bà tại trang Hạ Trì. Lúc đầu, Bà được thờ ở ngôi đình chợ Dày phía ngoài đê sông Hồng. Song, do vị trí quá sát đê, sông Hồng hàng năm vẫn dâng nước vào mùa lũ, lại thêm việc đổi dòng theo chu kỳ khiến bờ bên này có khi bị ăn vào rất sâu. Cư dân và các công trình nhà ở, công cộng vì thế phải di dời vào sâu hơn. Đình Dày đã phải chuyển vị trí nhiều lần. Về sau, để thuận lợi và yên vị thờ cúng bà Sa Lãng, dân làng đã chuyển hẳn ngôi đình vào trong đê, lập thành ngôi đền mới để thờ Bà. Tuy nhiên, các nguồn tư liệu hiện còn tại ngôi đền không cho biết chính xác thời gian ngôi đền xuất hiện và những biến cố của sự dịch chuyển. Hiện nay, ngôi đình cũ ở chợ Dày không còn, nhân dân đã dựng tạm một tòa nhỏ để thờ bái vọng, song đến  kỳ lễ hội lớn vẫn có lễ rước kiệu rất long trọng từ đền ra ngôi đình bái vọng này.

Trải qua biến thiên của lịch sử, đền thờ bà Sa Lãng hiện nay vẫn mang dáng dấp của một di tích cổ kính với các hạng mục gồm: nghi môn, sân, tả hữu mạc. Đền thờ chính hình chữ công gồm: Đại bái, trung cung và Hậu cung.

Tại Trung cung đền còn treo bức hoành phi: “Nữ trung hào kiệt 女中豪傑” (Bậc hào kiệt trong giới nữ) để ca ngợi bà Sa Lãng.

Đền Nhà Bà là di tích nằm trên vùng đất Hạ Trì xưa, địa danh giàu truyền thống lịch sử và văn hoá. Nhân vật được thờ là người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Bên cạnh những giá trị lịch sử, di tích nằm trên một địa thế có không gian và cảnh quan thiên nhiên đẹp, trang nghiêm  linh thiêng. Các di vật, cổ vật ở đền là những tài sản có giá trị để khẳng định vị thế của ngôi đền trong hệ thống di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Đồng thời là nguồn tài liệu phong phú giúp tìm hiểu rõ hơn về địa danh, con người và những phong tục tập quán vùng Hạ Trì xưa kia. Lễ hội truyền thống ở đền Nhà Bà với những hoạt động phong phú, đậm chất dân gian là nguồn di sản phi vật thể quý giá vẫn đang được bảo tồn và phát huy giá trị góp phần giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Di tích đền bà Sa Lãng (đền Nhà Bà) đã được Quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố tại quyết định số 43/QĐ-UB ngày 06/02/1979.

Chương trình lễ hội kỷ niệm 2004 năm Ngày sinh nữ tướng Sa Lãng năm Giáp Thìn 2024: