TIN TỨC HOẠT ĐỘNG TIN TỨC HOẠT ĐỘNG

Lý lịch Đình Thượng Thôn - Xã Liên Hà - Huyện Đan Phượng - Hà Nội
Ngày đăng 27/02/2025 | 08:18  | Lượt xem: 82

Ngày 28/02/2025, Đảng ủy - HĐND - UBND - UB MTTQ Việt Nam xã Liên Hà trang trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp Thành phố Di tích lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật Đình Thượng Thôn xã Liên Hà.

 

I. Di tích Đình Thượng Thôn –  Các sự kiện, nhân vật lịch sử

Đình Thượng Thôn nằm ở địa phận thôn Thượng, xã Liên Hà, huyện Đan Phương. Đây vốn là vùng đất cổ của huyện Đan Phượng, nguyên là đất thôn Thượng Trì, trang Hạ Trì. Sau này là thôn Thượng, xã Hạ Trì.

Theo Ngọc phả, sắc phong và hồi cố của các bô lão thì đình Thượng Thôn thờ Thần hoàng làng là Lữ Lã Gia - Ngài vốn là Tể tướng của nhiều đời vua nhà Triệu nước Nam Việt, là người nắm chính quyền nước Nam Việt những năm cuối cùng và bị thất bại bởi cuộc xâm lăng của nhà Hán. Lữ Lã Gia sinh ngày 2 tháng 2 năm Nhâm Tý, Khi sinh ra Ngài đã có dung mạo khôi ngô, tuấn tú, bản tính thông minh được đặt tên là Lữ Quân. Năm ông 12 tuổi, cha mẹ đều qua đời. Sau khi an táng cho cha mẹ xong, ông bèn du học ở kinh đô nhà Hán, lấy thi thư để giáo hóa phong tục của đất nước, mọi người yêu mến ông sau đó được lệnh dời đến đất Giao Châu làm Thái thú. Lúc này nhà Hán bị giặc Lâm Ấp xâm phạm. Lữ Quân đã về kinh xin đi đánh giặc được Nhà vua phong làm Tiền đạo.

Ông chỉ huy đội quân gồm 3 vạn 3 ngàn tráng sỹ tuần phòng đường sông cùng với Ngô tướng công cánh phải dẫn quân bộ binh gồm 5 nghìn người. Qua một ngày tiến đến khu Thượng Trì, trang Hạ Trì, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây dừng binh ở các đoạn sông nơi này ngắm xem phong cảnh, gặp gỡ các bô lão thôn Thượng Trì nói rằng: “Ta từ 300 năm trước và 300 năm sau, ta biết đây chính là nơi cha mẹ sinh ra”. Các cụ phụ lão trang Hạ Trì nghe thấy vậy bèn làm lễ xin làm quần thần được 150 người. Ngày hôm sau, lại thấy Sứ giả mang chiếu thư đến sai ông đi đánh giặc Tiêu Tương Lâm Ấp ở đạo phía Bắc. Ông bèn mổ lợn, trâu bò tế bách thần trời đất núi sông, khao thưởng các tráng sỹ trong bản khu, cử đạo quân tiến đến biên giới đất giặc. Lã Gia cùng Ngô Tướng quân cùng ngồi bàn bạc kế sách tiến công thì bỗng nhiên thấy giặc Lâm Ấp trùng trùng kéo đến, quân của ông không kịp mặc áo giáp lên ngựa đã bị bao vây, triều đình không biết nên không cử quân đến cứu viện. Ông hô hoán rất to rằng: trời giúp đỡ chúng ta! tướng sĩ bèn ra sức chiến đấu, phá được vòng vây, chém được chính tướng, tỳ tướng và rất nhiều quân sỹ của giặc, thu nhiều vũ khí, lương thực. Ông ở lại với các gia thần ở khu Thượng Trì, trang Hạ Trì rằng: sau này, nếu có lòng tốt thờ tự ta hãy tôn trọng theo di mệnh của ta.

Giặc Lâm Ấp tan, Sứ giả nhà vua triệu ông về kinh, mở tiệc khao quân, hứa cho ông được về quê quán ở huyện Đan Phượng. Ồng về nhậm sở, lập cung ở khu Thượng Trì, xã Hạ Trì để nhìn nhắm phong cảnh núi sông, long hổ bao quanh, nước vỗ phù sa rất hữu tình, ông đã truyền lệnh cho binh sỹ và nhân dân mở yến tiệc thết đãi. Nhân dân phụ lão khu Thượng Trì, xã Hạ Trì trong khi đang ăn tiệc bỗng thấy trời đất tối sầm, một phiến mây như hình dải lụa đỏ từ trên trời rơi thẳng xuống trước cung rồi thấy ông bay lên không trung đi mất. Khi đó vào ngày mùng 10 tháng giêng. Nhân dân kinh hãi bèn làm biểu tâu lên triều đình, nhà vua sai người về làm lễ an táng và cho phép dân khu Thượng Trì, xã Hạ Trì làm hậu nhi để thờ tự mãi mãi

Từ đó về sau, các triều đại phong kiến đều ban sắc, gia phong mỹ tự cho thần để tỏ rõ linh ứng, mong thần phù hộ, che chở cho muôn dân. Vua Đinh Tiên Hoàng khi dẹp loạn 12 sứ quân đã được thần phù hộ nên gia phong thần là Hiển ứng linh thông. Vào đời Trần Thái Tông, giặc Nguyên Mông xâm lược kinh thành. Để phá vòng vây, Trần Quốc Tuấn đã vâng mệnh cầu đảo bách thần và được thần phù trợ nên dẹp được giặc Ô Mã Nhi, vua Thái Tông gia phong cho thần là Nhất vị linh ứng. Trải qua các triều đại phong kiến, thần được ban tặng sắc phong với nhiều mỹ tự để ghi nhận công lao và những đóng góp của thần đối với đất nước.

Ảnh: Toàn cảnh trên cao di tích Đình, Chùa Thượng Thôn – xã Liên  Hà

II. Giá trị kiến trúc – nghệ thuật Đình Thượng Thôn

Đình Thượng Thôn tọa lạc trên khu đất cao ráo thuộc vị trí trung tâm của làng, đình trông ra hướng Tây Nam, bên cạnh là chùa Thượng Thôn tạo thành quần thể di tích hoàn chỉnh trong thiết chế văn hóa cổ truyền. Các cụ cao niên trong làng cho biết đình Thượng Thôn xưa kia vốn nằm ở vùng đất bãi sông Hồng, có niên đại khởi dựng cùng với đình Ngũ Giáp (đình Liên Hà). Đến khoảng thế kỷ XIX, do bãi sông bị lở, ngôi đình được chuyển về tọa lạc ở vị trí hiện nay với quy mô dạng chữ Nhị gồm tòa Tiền tế và Hậu cung. Trong thời gian chiến tranh, đình được sử dụng làm trường học cho con em trong xã. Sau ngày hòa bình lập lại, chính quyền và nhân dân địa phương đã huy động công sức tu sửa lại ngôi đình để làm nơi thờ cúng Thành hoàng làng, đồng thời xây thêm tòa Ống muống để nối Đại bái và Hậu cung trở thành kiến trúc dạng chữ « Công ». Qui mô kiến trúc hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào các năm 1993, 1997, 1998 và năm 2010. Công trình kiến trúc hiện nay gồm: Nghi môn, Đại bái, Ống muống, Hậu cung.

Ảnh: Một số kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Đình Thượng Thôn – Xã Liên Hà

2.1. Nghi môn : Nghi môn đình Thượng Thôn làm dạng tứ trụ, hai trụ chính cao hơn hai trụ bên, đỉnh bốn trụ có hình thức trang trí giống nhau đều đắp hình chái giành cách điệu, phía dưới là bốn ô lồng đèn để trơn, thân trụ không ghi câu đối.

2.2. Đại bái: Gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta; bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Ba gian giữa mở hệ thống cửa bức bàn, hai gian bên trổ cửa sổ tròn dạng chữ “Thọ”, nền nhà làm cao hơn mặt sân khoảng 55cm bởi 3 bậc tam cấp bó vỉa gạch. Vào bên trong, hộ khung làm bằng gỗ, gồm 6 bộ vì kết cấu theo hai dạng thức: bốn bộ vì gian giữa theo kiểu thượng giá chiêng hạ kẻ ngồi, bẩy hiên phía ngoài; phần bên trong thể hiện cốn rường trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Hai bộ vì hồi kết cấu kiểu vì quá giang trốn cột, hai đầu gác trực tiếp lên tường bao. Phần trang trí tại tòa Đại bái nhẹ nhàng, mang chỉ tập trung trên các đầu kẻ hiên, câu đầu, con rường, xà nách, cốn rường đề tài rồng lá, lá lật, vân xoắn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Ảnh: Một số kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Đình Thượng Thôn – Xã Liên Hà

2.3. Ống muống: Gồm 1 gian 2 dĩ nối Đại bái và Hậu cung tạo thành kiểu chữ “Công”. Đây là hạng mục được Nhân dân mới tôn tạo về sau. Bộ khung gồm 3 bộ vì gỗ, kết cấu theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ cốn rường trên mặt bằng hai hàng chân cột, mái lợp ngói ta. Trang trí ở toà Ống muống được thể hiện trên cốn rường, đấu kê chi tiết lá lật, vân xoắn, văn triện mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

2.4. Hậu cung: Là một nếp nhà 3 gian 2 dĩ, mặt nền cao hơn Ống muống khoảng 30cm, Theo các cụ cao niên đây là chính là nhà giữ sắc của đình Liên Hà (đình Ngũ Giáp) được chuyển về làm Hậu cung đình Thượng Thôn khi bãi sông bị lở. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái ngói ta. bộ khung gồm 4 bộ vì gỗ theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ ngồi trên hai hàng chân cột, nền lát gạch chỉ.

III. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC VÀ NGHỆ THỤÂT, THẨM MỸ CỦA DI TÍCH

Về mặt văn hoá, khoa học và lịch sử: Đình Thượng Thôn được khởi dựng tương đối sớm trên khu đất cao ráo ở vị trí trung tâm của làng. Qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, đến nay ngôi đình vẫn mang trong mình những giá trị lịch sử - văn hóa phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội đương thời. Mái đình chính là biểu trưng văn hóa của mỗi làng quê Việt, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư làng xã, nơi bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, hướng con người tới những giá trị chân – thiện - mỹ.

Về mặt kiến trúc nghệ thuật: Khởi nguồn từ ngôi đình Đụn, đình Thượng Thôn hiện nay là kết quả của nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Qui mô kiến trúc hiện nay mang dấu ấn của lần trùng tu lớn vào thời Nguyễn được thể hiện qua kết cấu các bộ vì nóc, kẻ hiên, con rường, cốn… với các đề tài truyền thống phản ánh ước vọng cầu được mùa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Di tích có quy mô kiến trúc khang trang, các đơn nguyên kiến trúc ăn nhập với nhau tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử dân tộc, qua thiên tai, lũ lụt và dịch chuyển vị trí nhưng ngôi đình vẫn bảo lưu được hệ thống di vật phong phú, đa dạng về chủng loại và chất liệu như đồ gỗ, đồng đồng, đồ gốm sứ được tạo tác tỷ mỉ, công phu có niên đại nghệ thuật tạo tác vào thời Nguyễn và thế kỷ XX như: tán, khám thờ, long ngai bài vị, mũ thần, khay đài, chấp kích… được tạo tác công phu, đường nét tinh tế, khéo léo phản ánh bước đi của lịch sử mỹ thuật dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử. Ngoài giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật, mỹ thuật, những di vật trong di tích còn là phần hồn không thể thiếu, tạo cho di tích trở nên linh thiêng, ấm cúng.

Bên cạnh các đồ thờ bằng gỗ, đồng, gốm, sứ, đình Thượng Thôn hiện còn 34 đạo sắc phong (thờ chung với đình Ngũ Giáp) có niên đại trải dài từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn. Đây là tư liệu vô cùng quý hiếm, có giá trị về mặt tư liệu lịch sử, mỹ thuật giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự tồn tại và mối quan hệ của đình Thượng Thôn với đình Ngũ Giáp trong lịch sử, cũng như nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội đương thời.